Thứ Năm, 25/04/2024 07:42:00 GMT+7
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG MIẾU LỤC KIỀU BÁT XÃ NĂM 2024
Lượt xem: 47
Sáng ngày 24/4/2024 (ngày 16/3 năm Giáp Thìn) UBND xã Hồng Thái - Làng văn hóa Đào Yêu tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống hàng năm tại di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố Miếu Lục Kiều Bát Xã. Về dự Lễ khai mạc có các đồng chí lãnh đạo đại diện Huyện ủy - HĐND - UBND - các phòng chuyên môn huyện An Dương; Các đồng chí lãnh đạo đại diện Đảng ủy - HĐND - UBND - UB.MTTQ các xã Hồng Thái; Đại diện dòng tộc Họ Bùi Việt Nam, thành phố, huyện Thủy Nguyên; Đại diện BQL các di tích, các bản Đình trên địa bàn huyện; cùng nhân dân địa phương và du khách thập phương.



Văn nghệ chào mừng Lễ hội

Miếu Lục Kiều Bát Xã thuộc thôn Đào Yêu, xã Hồng Thái. Miếu được tạo dựng để thờ phụng hai anh em: Bùi Xuân Hùng, Bùi Xuân Hổ, người địa phương, đỗ Thái học sinh triều Trần (đời sau gọi là Tiến sĩ) hai ông làm quan triều Trần đến chức Hữu và Tả thị lang Bộ Công (như chức vụ Thứ trưởng ngày nay). Miếu sau này được các vị Nho học tôn vinh là Văn miếu của tổng, để thờ phụng các vị tiên Nho, tiên hiền của tổng Kiều Yêu. Đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, thực hành giáo dục về Nho học của 8 xã, trong đó có 6 làng có tên Kiều, nên có tên gọi như trên.

Đại diện họ Bùi tộc chụp ảnh lưu niệm tại Miếu
Sáu làng, cũng là 6 xã có tên Kiều gồm: Nhu Kiều, Kiều Thượng, Kiều Hạ, Kiều Trung, Kiều Yêu, Kiều Đông cùng với 2 xã còn lại là Hy Tái, Tiên Sa. Miếu Lục Kiều bát xã còn được gọi là miếu Đào Yêu, hay miếu Quan Nghè, tên gọi gắn với địa danh và công danh của hai vị Tiến sĩ họ Bùi nêu trên.







Các đoàn Đại biểu và nhân dân dâng hương tại Miếu
Miếu đã trở thành địa điểm tâm linh, thiêng liêng và cổ kính của người dân địa phương; đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống học hành, khoa cử của địa phương. Di tích đã và đang trở thành môi trường học tập thực tế, học tập lịch sử và là nơi giáo dục, kế tiếp truyền thống khoa cử tốt đẹp của địa phương.
Trương Quý Định - Công chức TCKT xã Hồng Thái.